Nồi đất là một “trợ thủ đắc lực” cho các bà các mẹ chuẩn bị cho gia đình mình những món ăn thơm ngon, hấp dẫn, đặc biệt là các món kho, hầm. Nồi đất không còn xa lạ đối với phần đa những thủ lĩnh bếp núc nữa. Cùng với sự phát triển của xã hội, nồi đất cũng được nâng cấp. Với thiết kế đẹp cùng nhiều tính năng tiện ích nồi đất tráng men đã trở thành một dụng cụ quen thuộc trong phòng bếp của các gia đình. Tuy nhiên, nhiều người chưa rành việc sử dụng hiệu quả, vệ sinh cũng như cách bảo quản loại nồi đất này. Vì vậy, hôm nay mình sẽ “bật mí: cho các bạn một số tuyệt chiêu để làm những món ăn hấp dẫn từ chiếc nồi này nhé!
Mục lục:
Cách sử dụng
Trước khi sử dụng
Nồi đất tráng men khi được mang về thường có mùi rất khó chịu. Vì vậy, trước khi đem chiếc nồi này vào nhà bếp, bạn nên ngâm nồi và nắp trong nước lạnh có hòa chút nước cốt chanh trong 10 – 15 phút, nước chanh sẽ giúp khử mùi khó chịu còn sót lại trên nồi.
Trước khi nấu ăn
Trước khi nấu ăn, để tránh trường hợp nồi đất chịu nhiệt độ quá cao dẫn đến nứt , vỡ thì bạn nên cân bằng nhiệt độ trước bằng cách ngâm nồi và nắp trong nước lạnh trong 10 – 15 phút. Nước lạnh sẽ thấm vào đất để giảm nhiệt độ khi nấu.
Trong khi nấu
Bạn nên biết rằng, lớp tráng men giúp cho thức ăn không bị cháy dính dưới đáy nồi, nhưng nồi tráng men có “tuổi thọ giới hạn” nhất định. Bởi vậy, nó có thể biến chất bởi các vết trầy trên bề mặt, hay sự va chạm hoặc là được nấu ở nhiệt độ quá nóng làm cho lớp men bị tróc, sẽ gây nhiễm độc. Do đó, khi nấu ăn cần phải thực hiện đúng cách đúng quy trình theo các bước sau:
– Khi chuẩn bị đun nấu bạn hãy đặt nồi đất tráng men lên bếp với mức lửa trung bình để nồi nóng khoảng 20-30 giây. Đậy để nồi hấp thu nhiệt từ từ. Sau đó mới cho dầu hoặc bơ vào.
Lưu ý: Không đun nóng bếp trước khi đặt nồi lên, sẽ dẫn đến sự thay đổi nhiệt đột ngột gây vỡ nồi.
– Sau đó mới tăng nhiệt độ của bếp ở mức trung bình cao, và đảo nhẹ để thức ăn chín vàng đều. Nên nhớ chỉ sử dụng những dụng cụ không có khả năng làm trầy xước lớp tráng men nhé!
– Khi nấu ăn, bạn không nên phi hành, tỏi trực tiếp hay đun nồi không quá lâu trên lửa lớn bởi điều đó có thể khiến lớp men nồi bị bong tróc.
– Trong lúc nấu thức ăn nếu cần cho thêm nước thì bạn phải cho nước nóng vào, hạn chế dùng nước lạnh để tránh gây sốc nhiệt gây nứt nồi.
– Không nên sử dụng các dụng cụ nấu ăn bằng kim loại ví dụ như dụng cụ lật, đảo. Chúng sẽ làm xước lớp tráng men của chiếc nồi. Thay vào đó, bạn nên sử dụng các dụng cụ bằng gỗ, cũng không nên dùng đồ nhựa vì nó sẽ bị chảy trong điều kiện nhiệt độ cao.
– Khi thức ăn đã chín vàng, các bạn hãy giảm lửa xuống thấp rồi đậy nắp nồi lại. Nếu muốn làm món nướng thì các bạn chuyển nồi sang bếp nướng đã được bật nóng ở nhiệt độ khoảng 140 độ là được nhé!
Sau khi món ăn hoàn thành
– Sử dụng găng tay dày để nhấc chiếc nồi nóng khỏi bếp.
– Khi nấu xong món ăn đó, bạn nên tránh đặt nồi lên bề mặt lạnh, nồi sẽ dễ bịt nứt, bạn nên dùng đế lót gỗ cho nồi đất nếu cần đặt chúng ra bên ngoài.
Vệ sinh và bảo quản
Vệ sinh nồi
Lớp tráng men như một lớp chống dính của các loại chảo ngày nay. Bên cạnh đó, nó giúp khả năng giữ nhiệt tốt hơn. Vì vậy, khi vệ sinh cũng như sử dụng loại nồi này, bạn nên chú ý đến lớp tráng men. Dưới đây là một số mẹo nhỏ để vệ sinh đúng cách đối với chiếc nồi đất tráng men này:
– Bạn nên biết rằng sử dụng nước rửa chén dễ làm bong tróc lớp men của nồi. Thay vào nước rửa chén, bạn có thể tráng nồi qua nước nóng để loại bỏ hết mỡ dính trong nồi, sau đó ngâm nồi với một chút muối, chà rửa bằng bàn chải hoặc giẻ rửa bát, miếng rửa bát. Nhớ là đừng bao giờ sử dụng cọ xoong để rửa nồi đất này nhé.
– Đối với những vết bẩn “cứng đầu”, bạn có thể ngâm nồi trong nước với khoảng 1 đến 4 muỗng bột baking soda (có thể mua ở các cửa hiệu bán đồ làm bánh) rồi ngâm vài giờ đồng hồ.
– Với vết bám bẩn từ dầu mỡ, bạn có thể dùng khoai tây hoặc hành tây chà xát để làm sạch dầu mỡ.Như vậy nồi của bạn sẽ sạch như mới lại được diệt sạch vi khuẩn.
– Nếu nồi lâu ngày không dùng, xảy ra trường hợp mốc nồi hoặc có mùi ẩm mốc, bạn có thể hòa giấm, baking soda vào nước theo tỉ lệ 1:1:1. Ngâm nồi vào hỗn hợp trong 30 phút sau đó rửa sạch với nước, lau khô và phơi nắng. Như vậy nồi của bạn sẽ sạch như mới lại được diệt sạch vi khuẩn.
Bảo quản
– Lau khô nồi trước khi cất giữ.
– Cho một ít khăn giấy vào trong nồi để hút ẩm và lật ngược nắp lại.
– Khi đun nấu xong, bạn không được để nồi tiếp xúc với nước lạnh ngay mà phải để nồi nguội hẳn mới ngâm vào nước nhé!
Với những mẹo nhỏ trên, hy vọng các bạn sẽ sử dụng, bảo quản chiếc nồi đất tráng men nhà mình thật hiệu quả để sáng tạo ra những món ăn thơm ngon, độc đáo chiêu đãi cả nhà. Bỏ túi ngay những thông tin này ngày để có thể ứng biến với mọi tình huống nhé!